Trong thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đến xây dựng nhà máy và phát triển sản xuất. Đơn cử như Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2022 trên diện tích khoảng 11.000m² với tổng số vốn đầu tư hơn 139 tỉ đồng. Hiện nay, công ty đang giải quyết việc làm cho 1.100 lao động với mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng và có kế hoạch mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm khoảng 3.000 lao động.
Ông Bùi Văn Từ, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện Khu công nghiệp Hòa Phú đã thu hút 61 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.973 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.400 lao động với mức lương bình quân 6,4 triệu đồng/người/tháng.
Trong xu hướng dịch chuyển lao động từ các thành phố lớn về địa phương, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng địa bàn và chuyển về các tỉnh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Đắk Lắk phát triển thêm các khu công nghiệp mới.
Ông Bùi Văn Từ cho biết, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phương án phát triển khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Hòa Phú (331,73ha), Khu công nghiệp Phú Xuân (325,6ha), Khu công nghiệp M’Đrắk (300ha), Khu công nghiệp Eakar (480ha) và Khu công nghiệp Ea H’leo (400ha).
Đắk Lắk có 7 tuyến quốc lộ đi qua, bao gồm Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, Quốc lộ 14C và Quốc lộ 19C, với tổng chiều dài 761,27km. Đặc biệt, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026 sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 7km, có nhiều chuyến bay trực tiếp hàng ngày đến Hà Nội, TP.HCM, Vinh và Hải Phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hóa.
Về nguồn lực lao động, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1,9 triệu người, trong đó khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60% dân số).
Ông Bùi Văn Từ cho biết: "Việc phát triển các khu công nghiệp sẽ là tiền đề cho tỉnh Đắk Lắk đẩy nhanh công nghiệp hóa, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp có tiềm lực tài chính, công nghệ. Từ đó, tạo cú hích để phát triển kinh tế của tỉnh tương xứng với tiềm năng và lợi thế là trung tâm của vùng Tây Nguyên."
Với những lợi thế về hạ tầng giao thông, nguyên liệu và nguồn lao động, Đắk Lắk đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác và phát triển.
Nguồn tham khảo: Báo Lao Động